Một bạn sinh viên đến từ trường đại học Tây Nguyên đã đặt cho chúng tôi một câu hỏi mà Linda Group tin rằng đây không phải là thắc mắc của riêng chính bản thân bạn mà của hàng ngàn bạn sinh viên Việt Nam chuẩn bị, đã và đang học chương trình cấp 3 và đại học hiện nay.
CÓ NHẤT THIẾT HỌC ĐẠI HỌC KHÔNG?
(Bạn sinh viên đặt câu hỏi cho chúng tôi trong buổi Talk Show tại trường Đại học Tây Nguyên ngày 19/12/2020)
Linda Group thấy rằng tàn dư của xã hội phong kiến – bằng cấp vẫn được coi trọng hiện nay. Niềm tin này không sai khi hiện nay, trên toàn thế giới, phần lớn thông tin tuyển dụng việc làm lao động trí óc đều đòi hỏi trình độ đại học, phần lớn những người thành đạt trong xã hội đều tối thiểu có bằng cử nhân, kỹ sư trong tay.
Với xã hội coi trọng bằng cấp và truyền thống khoa cử như Việt Nam, việc vào được đại học càng trở nên quan trọng hơn nữa. Có con cái thi đậu đại học, lấy được bằng đại học là niềm tự hào của không ít ông bố, bà mẹ Việt Nam. Ngược lại, con thi rớt đại học thì trở thành nỗi thất vọng lớn, thậm chí có người cho rằng đó là một sự xấu hổ cho gia đình. Với nhiều em học sinh, không vào được đại học tựa như đặt dấu chấm hết cho cuộc đời.
Tuy nhiên, có bằng đại học, có bảo đảm cho sự thành công cho tương lai của cá nhân? Thất bại trong kỳ thi đại học, có phải cuộc đời đi vào ngõ cụt?
Thực tế đã chứng minh hàng chục vạn thanh niên Việt Nam sở hữu bằng đại học trong tay mà vẫn thất nghiệp. Ngược lại, nhiều em học sinh quyết định từ bỏ đeo đuổi thi vào đại học, rẽ hướng sang các trường dạy nghề, trung cấp nghề, học các khóa ngắn hạn nhưng lại rất thành công.
Vẫn biết chương trình đại học là lý tưởng để trang bị những kiến thức, kỹ năng cho cá nhân tham gia vào các hoạt động xã hội, điều này, ngay cả những người thành công nhờ bỏ ngang chương trình đại học như Bill Gates (sáng lập Microsoft), Steve Jobs (cha đẻ của iPhone, iPad, iPod), Mark Zuckerberg (phát minh mạng xã hội Facebook) để tập trung sự nghiệp sáng tạo cũng thừa nhận.
Tuy nhiên, xã hội có sự phân công lao động rõ ràng và cần con người làm việc ở nhiều vị trí khác nhau, trong đó, có nhiều vị trí không nhất thiết phải được đào tạo bằng chương trình đại học kéo dài nhiều năm. Học tập là cần thiết nhưng con người có thể học bằng nhiều cách khác nhau, trong đó, quan trọng nhất là tự học. Ngoài ra, mỗi cá nhân cũng có những năng lực và niềm đam mê khác nhau, không thành công hay không theo đuổi con đường học đại học, họ vẫn có thể phát triển bản thân ở những con đường khác.
Hãy hiểu giá trị thật của tấm bằng đại học
Rất nhiều người than vãn rằng họ đã lãng phí thời gian ở trường đại học, bởi có quá nhiều môn học không giúp ích gì cho công việc tương lai. Chẳng lý nào lại phải hy sinh học quá nhiều nếu như lúc đi làm bạn sẽ lại được đào tạo lại từ đầu. Chưa kể tới việc bạn chọn làm một nghề chẳng mấy liên quan tới bằng đại học. Thế thì liệu nó có xứng đáng với thời gian và công sức bạn bỏ ra?
Đại học không đơn thuần là nơi để “cày cuốc” với sách vở. Giá trị thật của tấm bằng đại học là ở sự thay đổi trong nhận thức, tư duy và thái độ của bạn trong suốt quãng thời gian ở trường, từ đó làm nền tảng cho bạn vào đời.
Đại học còn là môi trường để rèn luyện kỹ năng và xây dựng quan hệ – những thứ rất cần để tồn tại được trong xã hội cạnh tranh khốc liệt này. Có lẽ bạn đã nếm trải rất rõ sự khốc liệt ấy nếu phải sớm va chạm với bên ngoài.
Bạn cần phải biết được đam mê thực sự của mình
Không dễ để có thể trả lời những câu hỏi này. Bởi đơn giản là không phải ai cũng may mắn sớm tìm được đam mê. Vẫn có những người phải mất gần cả cuộc đời để biết điều mình thực sự mong muốn, nhưng quan trọng là cuối cùng họ vẫn tìm ra câu trả lời.
Thế nên đừng chùn bước, hãy cứ thử thách bản thân. Vì thành công nằm ở cả quá trình, chứ không chỉ riêng kết quả. Khi bạn tìm được đam mê thực sự cũng là lúc bạn đã đến rất gần với thành công của mình.
Dù là vậy, bạn nhất thiết phải suy xét kỹ càng chứ không nên hành động thiếu suy nghĩ. Chúng ta thường hay nhầm lẫn giữa yêu thích và đam mê. Đam mê khởi đầu bằng yêu thích, nhưng việc bạn thích một ngành nghề nào đó không có nghĩa là bạn đam mê nó.
Lời kết
Năng lực của mỗi cá nhân khác nhau, thế nên con đường thành công của họ cũng phải khác nhau. Nếu đại học là điều không thể thiếu để bạn theo đuổi ước mơ của mình, hãy học tập hết mình, trau dồi chuyên môn cho thật tốt. Nhưng nếu công việc bạn mong đợi không nhất thiết phải được đào tạo bằng chương trình đại học kéo dài nhiều năm, thế thì đừng ép buộc bản thân phải đến trường, hãy dành thời gian đó để trải nghiệm thực tế.
Suy cho cùng, nếu con đường đã chọn cho bạn động lực để thức dậy vào mỗi sáng và luôn mỉm cười hạnh phúc khi nhìn thấy thành quả mình đạt được, vậy thì dù bạn có làm gì đi chăng nữa, nó vẫn là điều đáng tự hào.
Bạn chỉ mới 18 tuổi. Bạn còn trẻ. Bạn được quyền thử, được quyền sai lầm. Hãy cứ sống và trải nghiệm. Đừng vội giới hạn bản thân bởi vì vẫn còn nhiều tài năng ẩn sâu trong bạn.